Nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm OCOP 

Nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm OCOP 

15/01/2022 | Tác giả: OCOP Mart

Nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm OCOP 

Nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm OCOP 

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) triển khai nhằm phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Ðồng thời, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua thời gian thực hiện, chương trình đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng bộc lộ những bất cập cần nhanh chóng tháo gỡ.   

Nhiều bất cập

Số liệu công bố tại Hội thảo “Sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo: Ðộng lực quan trọng để phát triển nông thôn mới” vừa diễn ra cho thấy, giai đoạn 2018-2020, cả nước huy động được 22.845 tỉ đồng triển khai Chương trình OCOP. Ðến nay, cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm đạt 3 sao chiếm 62,05%, sản phẩm đạt 4 sao chiếm 36,2% và sản phẩm tiềm năng 5 sao chiếm 1,72%. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đánh giá: Trong giai đoạn đầu triển khai, nhận thức của cả cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ; việc xác định một số sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP trong ngành hàng lúa gạo nói riêng để chuẩn hóa vẫn chưa xuất phát từ chính nhu cầu của các chủ thể. Ðiều này dẫn đến kết quả thực hiện chương trình của mỗi địa phương khác nhau và vẫn chưa đạt được kỳ vọng đưa chương trình OCOP trở thành nhân tố động lực để phát triển nông thôn mới.

Theo nhận định từ các chuyên gia, hiện nay hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ; bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn một số tồn tại, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế; nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế; thiếu sự chủ động từ các chủ thể tham gia vào chương trình… Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ, cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Các trung tâm/điểm bán hàng OCOP thuộc quản lý của Nhà nước còn yếu về năng lực và hiệu quả hoạt động: năng lực của nhân viên bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, công tác quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, bố trí không gian trưng bày sản phẩm…

TS Võ Hồng Tú, Trưởng Bộ môn Kinh tế - xã hội nông thôn,  Khoa Phát triển nông thôn, Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng, hầu hết các tổ chức kinh tế tham gia OCOP có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít nên chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất; thiếu kiến thức về quản lý điều hành; năng lực lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sản xuất chưa có địa điểm tổ chức sản xuất tập trung, đặc biệt là các cơ sở chế biến. Nhiều đơn vị kết hợp giữa nơi sản xuất và nhà ở, điều kiện tiêu chuẩn về nhà xưởng còn hạn chế, chưa đạt các tiêu chuẩn về chất lượng như VietGAP, Global GAP, HACCP, GMP, ISO,... Ở khâu hoàn thiện sản phẩm, một số bao bì và nhãn mác của sản phẩm dự kiến chuẩn hóa OCOP chưa đẹp mắt, thiếu tính thuận tiện.

Phát triển sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu

Ðể từng bước tháo gỡ khó khăn, ông Trần Thế Như Hiệp cho rằng, các địa phương cần chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Trong đó, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới… 

 

 

Theo TS Võ Hồng Tú, chương trình OCOP còn khá mới mẻ, do vậy các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của chương trình. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Các bên có liên quan cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận thị trường; khuyến khích và tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP thực hiện nâng cấp quy trình chế biến và công nghệ theo hướng sạch, an toàn như VietGAP, Global GAP, HACCP,…

Phát triển sản phẩm OCOP cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn, đối với các sản phẩm OCOP liên quan đến ngành hàng lúa gạo cần tạo nên nhiều sản phẩm chế biến sâu từ gạo. “Ở Thái Lan, khi tham quan khu trưng bày của họ, sản phẩm gạo thuần túy rất ít thay vào đó có đến 30 loại sản phẩm làm từ gạo (son môi, xà bông…). Trong khi đó, sản phẩm OCOP từ gạo tại Việt Nam chỉ đơn thuần là các loại gạo đặc sản đơn thuần. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta nên chú trọng đa dạng hóa sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu. Cùng với đó là các chiến lược quảng bá thương hiệu gắn với các câu chuyện về hành trình xây dựng và phát triển sản phẩm để nâng giá trị, ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng” - ông Lê Thanh Tùng nói.

Nguồn: Sưu tầm


Tags

Chia sẻ trên

icon