Chương trình OCOP xác lập vị trí cho nhiều mặt hàng nông sản

Chương trình OCOP xác lập vị trí cho nhiều mặt hàng nông sản

15/03/2022 | Tác giả: OCOP MART

Chương trình OCOP xác lập vị trí cho nhiều mặt hàng nông sản

Tập trung chuẩn hóa sản phẩm mới, nâng hạng những sản phẩm đã được công nhận, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng trong việc xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh Phú Thọ.

Thành công bước đầu cho thấy, chương trình đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập. Từ đó, tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn một cách hiệu quả và bền vững.

 

Sản phẩm chè của Hợp tác xã Phú Thịnh đạt chất lượng sản phẩm Ocop 3 sao năm 2020. 

Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị và xuất ngoại

Được thành lập từ tháng 12 năm 2019 tại khu 3, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy với mong muốn thúc đẩy giá trị của cây chè và mang đến cho khách hàng những sản phẩm hữu cơ chất lượng thông qua công nghệ sấy lạnh hiện đại trên thế giới, Công ty TNHH Maika Food đã thực hiện thành công hai sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn bốn sao gồm: Trà Matcha Maika và Trà Matcha sữa

Chị Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Maika Food cho biết, để tạo nên những sản phẩm Matcha Maika Food thượng hạng, sau khi sấy lạnh trà tiếp tục được tách gân và được nghiền bằng cối đá granit tạo ra một loại bột siêu mịn được tính bằng micromet, khi tung vào không khí phần bột sẽ tan như sương khói, đó là loại matcha đạt yêu cầu cao nhất.

“Hiện, công ty đã xây dựng được chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu bằng việc hợp tác với các hộ nông dân tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy với diện tích khoảng 4 ha chè để tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty đã có mặt ở các trung tâm mua sắm, siêu thị và các sàn thương mại điện tử trên cả nước. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu sạch và đạt tiêu chuẩn trong tất cả các khâu…, đặc biệt là đảm bảo cho người trồng chè yên tâm sản xuất, ổn định đời sống tại địa phương”, chị Hương chia sẻ.

Ngoài cây chè, Phú Thọ còn được đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đặc sản bưởi Đoan Hùng. Ông Khuất Đăng Khoa, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, huyện đã tập trung chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi đặc sản.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, ký kết hợp đồng liên kết, trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từ đó đáp ứng yêu cầu của thị trường, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Để sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng thực sự khẳng định được vị trí 3 lần đạt “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản từ năm 2017.

Cùng đó, cấp chứng nhận 3 mã số vùng trồng đủ điều kiện để xuất khẩu với diện tích trên 90ha; hình thành được 24 vùng trồng bưởi đặc sản tập trung tại 18 xã vùng thượng huyện và một số vùng trồng bưởi Diễn tại các xã vùng hạ huyện. Với tổng số 3 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 62 tổ hợp tác, 17 trang trại trồng bưởi, hoạt động liên kết sản xuất, gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ bưởi cho nông dân đang được đẩy mạnh.

Từ những lợi thế của địa phương, vừa qua UBND huyện Đoan Hùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tổ chức xuất khẩu 3,6 vạn quả bưởi Đoan Hùng (tương đương khoảng 40 tấn) đầu tiên sang thị trường Liên bang Nga.

Đây là tín hiệu vui cho nông sản Phú Thọ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ bưởi trên địa bàn tỉnh. Việc xuất khẩu lô bưởi đầu tiên vừa khẳng định thương hiệu bưởi Đoan Hùng đảm bảo uy tín, chất lượng, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế vừa nâng cao thu nhập cho người trồng bưởi trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

Bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục ký liên kết với một số đơn vị khác trong tỉnh Phú Thọ để tham gia, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi, hướng tới bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu bưởi sang một số nước như Trung Đông, Ấn Độ, Nhật Bản…

Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

Năm 2022, tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đến năm 2025 tiêu chuẩn hóa, phát triển 228 sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên; trong đó, có 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (sản phẩm cấp Quốc gia); 75 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 142 sản phẩm đạt hạng 3 sao (sản phẩm cấp tỉnh).

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.

Bên cạnh đó, tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: Thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; triển khai xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cấp huyện…

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ chia sẻ, OCOP đang tiếp tục tạo thêm sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp được nâng cao, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, việc tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước tiến tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn và ổn định, các chủ thể cần phải nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến… và chủ động được đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của mình.

Bên cạnh đó, chủ động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử để mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng, qua đó, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu ở trạng thái “bình thường mới”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa...

Sưu tầm


Tags

Chia sẻ trên

icon