Xếp sao cho hợp tác xã như sản phẩm OCOP

Xếp sao cho hợp tác xã như sản phẩm OCOP

20/08/2021 | Tác giả: Admin

Nhằm tạo động lực cho người nông dân tích cực, chủ động gia nhập hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất phương án xếp hạng trong thời gian tới.

Xếp sao cho hợp tác xã như sản phẩm OCOP

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ảnh: Bảo Thắng.

Cần bỏ tính hình thức

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là vấn đề Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan luôn trăn trở.  Ông cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ, mang tính định hướng lâu dài, sau khi nghe Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nêu 5 hạn chế chủ yếu tại các HTX hiện nay.

Cụ thể: Quy mô sản xuất nhỏ, số lượng thành viên ít. Trông chờ thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ hạn chế. Thiếu vốn kinh doanh, giá trị tài sản thấp và khó tiếp cận tín dụng. Cuối cùng là thiếu thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, cũng như năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá yếu.

"Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp là 3,4 triệu đồng/ tháng. Tôi nghe và tự hỏi, liệu như thế họ có sống nổi không? Chúng ta đang kêu gọi trẻ hóa lực lượng sản xuất nông nghiệp, nhưng với thu nhập như vậy, mấy người chịu bỏ thành phố về nông thôn?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, HTX nông nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nóng, nhưng chủ yếu là số lượng. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2021, cả nước đã tăng 6.088 HTX so với 4 năm trước (tương đương 52%). Tốc độ này cao gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2012 - 2016.

Số thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp là 175 người. Tổng số vốn, tài sản trung bình của HTX chỉ là 871 triệu đồng, nghĩa là một thành viên chỉ có tài sản 5 triệu đồng góp vào HTX. 

Lượng HTX nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hiện dừng ở mức 22,7%. Dù có 17.776 đơn vị trên cả nước, các HTX chỉ sở hữu khoảng 30% trong tổng số gần 5.000 sản phẩm OCOP. Số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đến 10%.

"Hồi ở Đồng Tháp, mỗi lần đi vận động người dân vào HTX là tôi thấy chạnh lòng. Nhiều nơi, bà con vào cho có lệ. Đến khi đạt mục đích, họ lại ngãng ra", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.

"Tuy nhiên, nhìn lại vấn đề có thể thấy, người dân dễ nản nếu thu nhập từ HTX quá ít, hoặc không thu được lợi ích gì từ việc tham gia các hội nhóm. Chúng ta cần thay đổi điều ấy. Làm sao để có một ngày, người dân thấy lợi ích quá trời từ HTX, thậm chí sẵn sàng vay nóng để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên".

Để người dân "sẵn sàng đi vay nóng" như lời Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp thông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hai trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các đơn vị liên quan cần làm rõ hai vấn đề. Một, là nêu bật lợi ích của người dân khi vào HTX. Hai, là chỉ đích xác tính đặc thù của mô hình HTX.

"Một trong những mục tiêu của HTX chúng ta thường nghe là xóa đói, giảm nghèo. Nhưng trong thời đại công nghệ 4.0, điều ấy có còn đúng không? Giờ chưa có nguồn vốn đầu tư phát triển trực tiếp HTX, nhưng ngành nông nghiệp cần xác định cội rễ vấn đề là ở chỗ nào? Đâu là yếu tố có thể giúp HTX phát triển, trong bối cảnh các chính sách phát triển mô hình này còn rải rác như hiện nay", Thứ trưởng Nam đặt câu hỏi.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, muốn người dân tích cực, chủ động gia nhập HTX, cán bộ ngành nông nghiệp cần đứng trên lợi ích của họ. Đồng thời, bà con cần hiểu rằng HTX là công cụ của Nhà nước để hỗ trợ nông dân sản xuất, là trung tâm tập hợp tri thức, giúp nông dân nâng cao trình độ, kiến thức, tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Ông Nguyễn Quốc Oánh, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp & Phát triển nông thôn 1 cho biết thêm, rằng các HTX tại đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc trước đây phát triển khá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những mô hình này giờ nặng tính hình thức. Một số nơi lập ra chỉ để thỏa mãn yêu cầu nhất định, ví dụ xây dựng nông thôn mới. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy như có HTX có đúng 7 thành viên.

Xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển HTX nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã cụ thể hóa bằng chiến lược phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025 trong điều kiện cụ thể của các địa phương. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, cái khó nhất cần làm bây giờ, là để tất cả công nhận: HTX là một tổ chức phúc lợi xã hội tại nông thôn.

Điều cần làm bây giờ là để tất cả công nhận: HTX là một tổ chức phúc lợi xã hội tại nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điều cần làm bây giờ là để tất cả công nhận: HTX là một tổ chức phúc lợi xã hội tại nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Không gì tốt hơn, là chúng ta có thể phát triển một thị trường riêng cho HTX, giống như cách làm với sản phẩm OCOP. Ngành nông nghiệp phải xem đây như một cuộc cách mạng về tư duy, phải ra tận đồng, vào tận chuồng, phải lăn lộn với cái khổ của nông dân, phải thấu hiểu những tâm tư, khúc mắc của họ, chứ không thể ra Nghị quyết trong hội trường, phòng họp", Bộ trưởng gợi mở.

Tương tự các vùng nguyên liệu, HTX trước đây thường đề cao tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, năng suất. "Tư lệnh ngành" nông nghiệp khuyên, cần bỏ lối nghĩ ấy. Thay vì tập trung vào "lợi nhuận", người đứng đầu HTX cần quan tâm đến "lợi ích". Nghĩa là, ngoài giá trị kinh tế, HTX còn mang tới phúc lợi, sinh kế, các phương án đầu tư dài hạn - thứ nông dân khó tiếp cận nếu đứng ngoài HTX.

"Cần xây dựng một bộ tiêu chí xếp hạng cho mô hình HTX, giống như sản phẩm OCOP có 3, 4, 5 sao. Muốn đây là mô hình đi đầu để phát triển kinh tế nông nghiệp, chúng ta phải giảm trọng số của lợi nhuận, năng suất, sản lượng.

Thay vào đó, khả năng ứng dụng công nghệ, cấp mã số vùng trồng, quy trình canh tác đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP cần được tăng chỉ số đánh giá. HTX nào đạt nhiều sao hơn, sẽ có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với ưu đãi", Bộ trưởng chia sẻ.

Những ưu đãi, theo Bộ trưởng, là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, hoặc dự các hội nghị xúc tiến với doanh nghiệp tiêu thụ. Đây là hình thức được ông Lê Minh Hoan gọi là "bia kèm mồi", nghĩa là gia nhập HTX sẽ mang tới cho kinh tế hộ cá thể nhiều lợi ích song hành từ công nghệ sau thu hoạch, cơ giới hóa, đến sử dụng kho lạnh, quá trình bảo quản, và xây dựng thương hiệu. 

Điểm mấu chốt Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nhấn vào, là khả năng kết nối giữa HTX với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi được Bộ NN-PTNT xếp sao theo các tiêu chí như sản phẩm OCOP, các HTX sẽ có một bộ "nhận diện thương hiệu" rõ ràng trên thị trường.

 Xây dựng nguồn ngân sách riêng hỗ trợ HTX

Đồng tình với quan điểm "biến việc thành lập HTX thành phản xạ với người nông dân" của Bộ trưởng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất thêm phương án xây dựng nguồn ngân sách riêng hỗ trợ HTX. Theo ông, điều HTX cần nhất không phải là nguồn vốn mà là những chính sách phù hợp để phát huy tối đa nội lực. 

"Chúng ta có thể gây dựng từ những cái nhỏ nhất, sâu sát với bà con như tổ hợp tác, hội quán, tổ khuyến nông. Đó giống như những mầm ban đầu, để tuyên truyền cho người dân vào HTX", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Sản xuất cà chua công nghệ cao ở Hợp tác xã An Phú (Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu

Sản xuất cà chua công nghệ cao ở Hợp tác xã An Phú (Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu

Với đội ngũ đông đảo bám sát tại cơ sở, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin có thể đóng góp một phần trong việc xây dựng kinh tế tập thể. Giám đốc Lê Quốc Thanh nói: "Hình thức tổ chức HTX vốn vẫn duy trì đà phát triển tại các vùng nguyên liệu có liên kết vùng, và hướng tới các nhà máy chế biến. Trung tâm Khuyến nông sẵn sàng tham gia vào chiến lược chung, để hòa chung một lực lượng với các đơn vị khác của Bộ NN-PTNT".

Giải pháp trước mắt, theo tham mưu của Cục Kinh tế hợp tác & Phát triển nông thôn, là chia kế hoạch hành động ra hai nhóm. Một, là các biện pháp chung gồm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai Quyết định số 1804/QĐ-TTg, và các chương trình liên quan đến vùng nguyên liệu, chuyển đổi số, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai, là xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể gắn với các đơn vị truyền thông như Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các tổ chức trực thuộc biên soạn các tài liệu tập huấn cho HTX, thí điểm các tổ khuyến nông cộng đồng, và phối hợp với các cơ sở, đào tạo, trường nghề.

Nguồn: Nongnghiep.vn


Tags

Chia sẻ trên

icon

19/08/2021 | Đăng bởi: Admin

Bình Thuận: Đẩy mạnh Chương trình OCOP năm 2021

Qua hơn một năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Tiếp tục phát huy lợi thế đó, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong năm 2021.

23/08/2021 | Đăng bởi: Nguyên Lý (TTXVN)

Ứng dụng khoa học phát triển sản phẩm OCOP dược liệu

Xác định trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ cây dược liệu là lĩnh vực mũi nhọn, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đang tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chế biến sản phẩm từ các cây dược liệu để xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi mới trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở địa phương này.

18/08/2021 | Đăng bởi: Admin

Sản phẩm OCOP ngày càng gần hơn với người tiêu dùng

Nhờ bảo đảm chất lượng và thay đổi hình thức, sản phẩm OCOP của Bình Định ngày càng tạo được niềm tin với người tiêu dùng và vươn ra thị trường cả nước.