Chương trình OCOP ở Hà Nội: Cốt lõi là sự hài lòng của người dân

Chương trình OCOP ở Hà Nội: Cốt lõi là sự hài lòng của người dân

15/06/2022 | Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP. Hà Nội, tính đến hết năm 2020, toàn Thành phố có 1.054 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được đánh giá, phân hạng, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra đến cuối năm 2020 có từ 700 - 1.000 sản phẩm).

Chương trình OCOP ở Hà Nội: Cốt lõi là sự hài lòng của người dân

Thành công từ những bước đi đúng

     Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai Chương trình OCOP. Điều vui mừng hơn là Chương trình OCOP của Thành phố đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 5.000 lao động khu vực nông thôn.

  Báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội nêu rõ, trong năm 2020, Thành phố đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá Chương trình OCOP, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả và khẳng định vị trí riêng của các sản phẩm ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Cũng trong hai năm (2019 - 2020), Hà Nội đã triển khai tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn cho đối tượng là cán bộ thực hiện chương trình OCOP, các nhà quản lý tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại…; Tổ chức nhiều đoàn công tác cấp đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP tại các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Sóc Trăng và nước bạn Thái Lan để trao đổi kinh nghiệm thực hiện… Cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, Hà Nội tập trung mở rộng hệ thống các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Riêng trong năm 2020, Hà Nội đã lựa chọn và khai trương, đưa vào hoạt động được 14 điểm giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên đã giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng tin dùng. Quá trình triển khai Chương trình OCOP thời gian qua tại Hà Nội cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng để Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

     Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP trong 3 năm qua, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu của Chương trình, thứ nhất là công tác thông tin, tuyên truyền được Thành phố tổ chức sâu rộng, tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng. Thứ hai là công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp, chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã… được quan tâm, giúp cho việc tổ chức triển khai Chương trình tại cơ sở ngày một bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả. Và yếu tố quan trọng nhất chính là sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, đặc biệt là trong việc kết nối, giao thương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

     Tuy nhiên, do đặc thù của sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường. Do nhiều nguyên nhân, các làng nghề cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Để hóa giải những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về chương trình OCOP, Thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm OCOP ra thị trường khu vực và thế giới, TP. Hà Nội đã giao cho 3 đơn vị gồm: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

     Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, Chương trình OCOP của Hà Nội đề ra mục tiêu: Năm 2020, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Tính đến nay, Hà Nội đã công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Trong 2 năm 2019 - 2020, ngành NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP. Thông qua các chương trình trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương, không chỉ tôn vinh các chủ thể có sản phẩm được Thành phố công nhận, cấp sao sản phẩm mà còn hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường. Trong các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại diễn ra nhiều hội thảo kết nối giao thương sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, có nhiều biên bản ký kết, ghi nhớ hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Trong 5 năm tới, Thành phố phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thành phố sẽ ưu tiên nâng cấp các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống, tiếp tục cải tiến, hoàn thiện bộ nhận diện để “nâng sao” cho các sản phẩm. Song hành với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm OCOP được cấp sao; Quán triệt chủ trương xuyên suốt là tuyệt đối không chạy theo phong trào trong phát triển Chương trình, xây dựng niềm tin và hướng đến bảo vệ người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn ủng hộ các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, để hướng các sản phẩm OCOP có cơ hội tiêu thụ trên thị trường thế giới, giai đoạn 2021 - 2025, ngoài tìm hiểu rõ thị trường tiêu thụ đối với từng nhóm sản phẩm để tổ chức sản xuất, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vào các hệ thống phân phối, siêu thị đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

    Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong giai đoạn 2021 - 2025, các Sở, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiêu thụ, tạo động lực phát triển cho Chương trình OCOP, mà còn giúp mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm vùng miền tốt nhất, cũng như mang đặc sản, hình ảnh của Hà Nội đến được với người dân trong nước và quốc tế…

     Cần có chính sách hỗ trợ Chương trình

     So với các địa phương lân cận, Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Toàn Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền UBND Thành phố công nhận. Thành công bước đầu của Chương trình OCOP tại Hà Nội là rất đáng khích lệ. Dù vậy, theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khó khăn trong việc thực hiện Chương trình cũng không hề nhỏ. Theo đánh giá, các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún; Chất lượng sản phẩm nhìn chung không đồng đều; Nhiều chủ thể ít quan tâm đến việc cải tiến, nâng cấp bao bì, nhãn mác khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm chưa cao… Nhưng rào cản lớn hơn cả là những hạn chế về chính sách phát triển Chương trình OCOP. Đơn cử như hiện nay, Chính phủ chưa có quy định về mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm OCOP được cấp sao, khiến nhiều tỉnh, thành (bao gồm cả Hà Nội) không thực hiện được cơ chế này. Hay như quy định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh, Thành phố cũng chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành… Vì vậy, trong thời gian tới, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách là đòi hỏi cấp thiết đặt ra hiện nay.

     PGS.TS Trần Văn Ơn - “Cha đẻ” và là Cố vấn quốc gia Chương trình OCOP cũng chia sẻ, OCOP không phải là chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao, bởi vậy, không chọn sản phẩm đã có sẵn để đi thi, treo giải. Trong quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm, phần người dân cần hỗ trợ nhất là tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực… Có nghĩa là, Nhà nước phải đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm. Để làm được những nội dung trên, chất lượng cán bộ ở tỉnh và mỗi huyện liên quan đến thành bại của Chương trình. Khi bố trí được cán bộ “tận tâm - hiểu biết” thì OCOP ở địa phương đó thành công. Ngược lại, khi các cán bộ phụ trách “lơ mơ - vô cảm” thì chương trình sẽ đầy khó khăn, trắc trở và không thành công đúng nghĩa như mục tiêu. Ông cho rằng, muốn phát triển bền vững Chương trình OCOP trong giai đoạn tới, các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước nói chung, TP. Hà Nội nói riêng, cần tiếp tục tuân thủ quy luật đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Không thể ngay lập tức yêu cầu chủ thể phải làm ở quy mô lớn khi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP. Đây là nhận thức rất quan trọng, bởi mấu chốt trong phát triển Chương trình OCOP là nâng cao thu nhập cho chủ thể tham gia…

  Để tạo điều kiện trong tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình đẩy mạnh xúc tiến giao thương sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2026, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP.Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Quy định mức thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng, tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh.

     Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung có hướng dẫn chi tiết mức chi tại Điều 20b của Thông tư số 08/2019/TT-BTC, để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và đại phương. Cụ thể, hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng, hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán.

     Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó, bỏ tiêu chí tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương. Bởi theo quy định, nhóm 1 (Thực phẩm tươi sống và thực phẩm thô, sơ chế) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 75% trở lên; nhóm 2 (Thực phẩm chế biến gồm đồ ăn nhanh, gia vị, chè, cà phê, ca cao) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội cho rằng, điều này sẽ hạn chế việc liên kết giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết bao tiêu sản phẩm.

                                                                                                                                                                                                                                                                             Nguồn Sưu tầm


Tags

Chia sẻ trên

icon

14/06/2022 | Đăng bởi: Nguyễn Phương Thảo

Năm 2021, Hà Nội có 595 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP

Chiều 30-12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố năm 2021.

17/06/2022 | Đăng bởi: Nguyễn Phương Thảo

Thành phố Hà Nội công bố các sản phẩm OCOP

Ngày 30.11, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP Thành phố.

13/06/2022 | Đăng bởi: Nguyễn Phương Thảo

Mua 300 sản phẩm OCOP ở đâu tại Hà Nội?

Với khoảng 300 danh mục nông sản, sản phẩm OCOP của hơn 10 tỉnh thành phố trong cả nước hội tụ tại Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), trung bình mỗi ngày khoảng hơn 100 lượt khách tham quan và giao dịch. Đây là một trong những đầu mối giao thương, tập trung giữa nhiều nhà sản xuất với khách hàng, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.